Kính thưa các Thầy cô giáo và các bạn em học sinh thân mến!
Ngày 22/12 hàng năm là ngày hội truyền thống của cả dân tộc, ghi nhận và tôn vinh những đóng góp to lớn của Quân đội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nhằm giáo dục cho học sinh lòng biết ơn những hi sinh đóng góp của thế hệ cha anh đi trước. Trong chuyên mục giới thiệu sách hay tháng này. Thư viện trường tiểu học Vĩnh Quỳnh xin trân trọng giới thiệu tới các thầy, cô giáo và các em học sinh cuốn sách “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản năm 2018, cuốn sách gồm 136 trang, in trên khổ 18 x25cm. Cuốn sách đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển viết cho thiếu nhi trong kho tàng văn học Việt Nam hiện đại.
Tác giả Nguyễn Huy Tưởng đã đưa nhân vật trung tâm Trần Quốc Toản cùng lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng: Phá cường địch báo hoàng ân vào hai địa bàn chiến trận, một ở miền núi, hai là diễn ra trên sông.
Mở đầu truyện là giấc mơ của Toản bắt sống được tên sứ ngông nghênh, ngạo mạn Sài Thung và kết thúc truyện là cảnh Quốc Toản cùng đại quân đánh bại Toa Đô trên sông.
Nội dung cuốn sách tác giả đã phác họa nhân vật Trần Quốc Toản- “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” khi đã có đội quân của riêng mình, Quốc Toản không tìm đến triều đình mà thẳng tiến truy tìm quân giặc, bởi chàng biết đến với triều đình rồi cũng bị đuổi trở về, chi bằng chứng minh cho mọi người thấy khả năng của mình. Hoài Văn cùng sáu trăm chiến sĩ dương cao lá cờ đỏ thắm thêu sáu chữ vàng do chính tay mẹ chàng thêu, lá cờ với dòng chữ đề “Phá cường địch báo hoàng ân”. Sáu chữ ấy không chỉ là một lời thề sắt son với tổ quốc, mà còn là lòng quyết tâm của chàng, vừa khẳng định chính mình, vừa noi theo gương cha, không thể ngồi yên khi nước sắp rơi vào tay giặc.Trải qua một đoạn đường dài, Hoài văn cùng các tướng sĩ của mình cũng đến được một vùng đồi núi. Tại đây, sau những hiểu lầm, chàng kết nghĩa anh em với Nguyễn Lộc ở trại Ma Lục. Cũng chính ở nơi này chàng có trận chiến đầu tiên với quân Nguyên, lần đầu tiên ngọn lửa của hào khí Đông A trong Hoài Văn bùng cháy một cách mãnh liệt nhất, quét sạch bọn giặc ngoại xâm. Tiếng tăm về chàng tướng trẻ tài giỏi với lá cờ thêu sáu chữ vàng ngày càng vang xa. Khi Chiêu thành Vương đuổi theo tên phản quốc Trần Ích Tắc vô tình rơi vào vòng vây của quân địch, trong giờ phút ông sắp không chống cự được nữa, Trần Quốc Toản xuất hiện. Chiêu Thành Vương không thể ngờ đến chàng tướng trẻ vang danh kia chính là cháu ruột của mình, trong sự bất ngờ ấy còn xen lẫn cả sự tự hào, chính trong trận chiến giải vây cho chú, Hoài Văn đã bước đầu cho mọi người thấy rõ bản lĩnh của mình. Được triều đình công nhận, Quốc Toản về dưới trướng của Hưng Đạo Vương, chờ thời cơ phản công quân địch. Cuối cùng thời cơ cũng đến, Hưng Đạo Vương quyết định cử Chiêu Văn Vương lãnh binh xuất quân, Hoài Văn cũng xin theo. Sau khi thử lòng chàng, Hưng Đạo vương đồng ý. Đây là trận đánh lớn đầu tiên trong cuộc đời Hoài Văn, không giống trận chiến trước đó, lần này tên giặc mà chàng phải đối đầu là Toa Đô tên tướng giỏi nhất của quân Nguyên. Điều ấy không khiến Hoài Văn lo lắng, ngược lại làm chàng mong chờ không thể nào yên, chỉ muốn mau được giáp mặt giặc mà đánh cho chúng tơi tả, đánh cho chúng không còn manh giáp.
Cuốn sách không chỉ chú trọng đến nội dung giáo dục truyền thống lịch sử, tác giả còn viết kĩ từng câu, chọn từng từ; đồng thời rất từ tốn và trang nghiêm, ông dẫn các em đến với những khái niệm cơ bản về lịch sử - đất nước - dân tộc và con người Việt Nam.
Hy vọng rằng, với giá trị mang tính lịch sử sâu sắc mà cuốn sách mang lại sẽ là bài học bổ ích cho tất cả các em học sinh. Cô mong rằng các em sẽ phát huy tinh thần yêu quê hương, đất nước, yêu tổ quốc Việt Nam bằng những hành động phù hợp với lứa tuổi học sinh.
Thư viện rất mong các Thầy cô và các em học sinh sẽ tìm đọc cuốn sách: “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” trong thư viện. Xin cảm ơn sự theo dõi của Thầy cô và các em học sinh. Xin chào và hẹn đến với chuyên mục giới thiệu sách lần sau!