Kính thưa các Thầy cô và các em học sinh thân mến!
Nhà văn Macxin Gorki đã từng nói: “Mây đen có thể che được ánh sáng mặt trời nhưng không gì có thể che được ánh sáng của sách mang lại. Mỗi cuốn sách đều mang tới cho người đọc rất nhiều ý nghĩa của cuộc sống không chỉ với người lớn với trẻ thơ mỗi cuốn sách còn là một thế giới bí ẩn, khám phá nó sẽ thấy được vẻ đẹp muôn màu của cuộc sống”.
Tháng này, thư viện trường Tiểu học Vĩnh Quỳnh xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các em học sinh cuốn sách “Truyện kể về gương hiếu thảo”
Các em ạ! Hiếu là nền tảng của mọi đạo đức, là đức hạnh mở đầu cho nhân cách mỗi người. Ông cha ta đã có câu:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Những câu ca dao như khắc sâu trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam. Gia đình không chỉ là tổ ấm mà còn là môi trường văn hóa đầu tiên, là nơi chuẩn bị hành trang cho mỗi chúng ta bước vào đời. Công cha như ngọn núi lớn vượt cả trời xanh, nghĩa mẹ như nguồn nước bao la vô bờ bến, vậy bản thân mỗi con người chúng ta phải có lòng hiếu thảo đối với đấng sinh thành.
Trong cuộc sống luôn luôn có những tấm gương hiếu thảo để chúng ta học tập noi theo. Chính vì vậy nhà xuất bản Hồng Đức đã cho ra đời cuốn sách “Truyện kể về gương hiếu thảo” do tác giả Thanh Trúc biên soạn và tổng hợp. Cuốn sách dày 155 trang, khổ 15 x 23cm được in và nộp lưu chiểu năm 2019.
Ngay bìa cuốn sách là những hình ảnh đầy màu sắc minh họa các hành động yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ nhằm giúp các em học sinh dễ ghi nhớ và vận dụng.
Mỗi câu chuyện trong sách là một tấm gương tiêu biểu về lòng hiếu đạo nhằm giáo dục đạo đức, nhân cách thế hệ trẻ tương lai. Mử đầu là câu chuyện về vị Vua họ Diêu, tên là Trọng Hoa, người Ký Châu thời thượng cổ, con mắt có hai con ngươi (đồng tử), lòng hiếu thảo của vua cảm động cả trời đất. Vua từng được voi giúp xới đất, chim đến giúp nhổ cỏ. Cha là Cổ Tẩu tính ương ngạnh; mẹ kế lòng dạ điêu ngoa; em trai tên Tượng tính tình ngạo mạn. Tuy phải chịu nạn bị lửa thiêu, bị chôn vùi đáy giếng, nhưng Thuấn vẫn một lòng hiếu thảo.
Một tấm gương nữa của đất nước Việt Nam, đó chính là vua Tự Đức – Ông vua hiếu thuận. Ông đã đặt ra quy định: ngày lẻ thiết triều, ngày chẵn thì vào vấn an mẫu hậu. Như thế, mỗi tháng vua ngự triều mười lăm lần, thăm mẹ mười lăm lần. Khi vào thăm mẹ thì rất cung kính, nén hơi, sửa mình, quỳ gối hỏi thăm sức khỏe mẹ.
Không chỉ có những gương hiếu thảo trong lịch sử mà trong dân gian cũng có rất nhiều gương hiếu thảo cho chúng ta học hỏi như chàng trai Mật Sơn đã lấy hết lòng can đảm của mình lặn xuống Thủy cung để xin Long Vương ít vàng bạc để phụng dưỡng bố mẹ; cô bé trong câu chuyện Sự tích hoa cúc trắng có tấm lòng hiếu thảo cảm động trời đất….
Cuốn “Truyện kể về gương hiếu thảo” là tuyển tập những câu chuyện độc đáo, đa dạng, vừa có những câu chuyện mang đậm màu sắc cổ tích, lại vừa có câu chuyện có phần hiện đại, gần gũi với cuộc sống ngày nay. Những câu chuyện ấy cũng sẽ góp phần giúp các em rèn luyện những phẩm chất đạo đức, hình thành nhân cách tốt đẹp, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, hun đúc nhân cách để các em trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Cuốn sách nằm trong tủ sách đạo đức của thư viện trường Tiểu học Vĩnh Quỳnh với số đăng kí cá biệt ĐV17 + ĐN17. Thư viện rất mong quý thầy cô giáo và các em học sinh sẽ tìm đọc cuốn sách: “Truyện kể về gương hiếu thảo”.
Phần giới thiệu sách Tháng 3 của Thư viện Tiểu học Vĩnh Quỳnh đến đây là hết rồi. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 sắp tới, các em hãy bày tỏ những tình cảm trân quý, sự quan tâm đến các bà, các mẹ, các chị - những người phụ nữ tuyệt vời xung quanh mình. Ngoài ra, chúng ta có thể sưu tầm và tìm đọc thêm thật nhiều những mẩu chuyện, cuốn sách với chủ điểm: Yêu quý mẹ và cô giáo nhé!
Xin cảm ơn sự theo dõi của Thầy cô và các em học sinh. Xin chào và hẹn đến với chuyên mục giới thiệu sách lần sau!