Ngôi trường Tiểu học Vĩnh Quỳnh là một môi trường học tập, lao động thật sự nghiêm túc, mọi người cùng nhau cố gắng để xây dựng một tập thể đoàn kết, gắn bó. Trường có bề dày thành tích, nhiều năm liền được khen thưởng các cấp. Năm học 2021 - 2022 trường vinh dự đứng thứ 5/22 trường tiểu học trong toàn huyện, được nhận Giấy khen Tập thể lao động xuất sắc cấp Thành Phố, Liên đội xuất sắc cấp Trung Ương. Để đạt được những thành tích như trên thì không thể thiếu sự trợ giúp đắc lực của cô Phó hiệu trưởng nhà trường - người mang luồng gió mới, nhiệt huyết, sáng tạo, hiện đại cho ngôi trường chúng tôi là Phó hiệu trưởng chuyên môn - Cô giáo Khúc Thanh Thủy.
Mặc dù với cương vị là cán bộ quản lý, nhưng cô là người rất gần gũi thân thiện. Có rất nhiều lời khen ngợi, có rất nhiều minh chứng công nhận và có cả những tình cảm tốt đẹp của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trường Tiểu học Vĩnh Quỳnh chúng tôi dành cho tấm gương sáng về đạo đức, trách nhiệm và sự nhiệt huyết, sáng tạo hết lòng với trẻ của cô. Đó là những nhận định của tất cả những ai đã được làm việc và tiếp xúc với cô giáo Thủy.
Bao nhiêu năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, từ một cô giáo còn trẻ với nhiều bỡ ngỡ đến nay cô đã trở thành một cán bộ quản lý giỏi, đó là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng nghỉ của cô. Tốt nghiệp khoa Giáo dục Tiểu học của Trường Đại Học Sư phạm Hà Nội, sau nhiều năm rèn luyện và phấn đấu với vị trí giáo viên, năm 2018 cô đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Vĩnh Quỳnh. Nhưng dù ở cương vị nào cô cũng luôn tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, cùng tập thể cán bộ, giáo viên tìm giải pháp thực hiện tốt nhât các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Trong suốt 4 năm công tác ở mái trường Tiểu học Vĩnh Quỳnh, cô còn thường xuyên đi đầu trong việc chia sẻ kinh nghiệm cũng như các phương pháp, hình thức dạy học mới qua các tiết dạy chuyên đề ở trường. Để những kinh nghiệm dạy học của mình có sức lan tỏa đến nhiều giáo viên, cô còn tích cực tham gia các phong trào của ngành, của địa phương. Nhiều năm liên tục, cô đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở.
Cô luôn phát huy năng lực của mình và được các bậc phụ huynh, học sinh và đồng nghiệp ghi nhận. Các phương pháp chỉ đạo của cô đều tập trung khơi gợi sự sáng tạo, ham học của đồng nghiệp, giúp các chị em phát triển toàn diện về cả năng lực và phẩm chất. Là Phó Hiệu trưởng trẻ, cô như người chị người bạn, luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu từng đồng nghiệp để động viên khích lệ kịp thời, khiến các chị em thêm yêu trường, yêu lớp, nhờ sự quan tâm, động viên của cô mà giáo viên trong trường tích cực hăng say giảng dạy. Có bao nhiêu việc “có tên” và “không tên” đòi hỏi người cán bộ quản lí phải ra tay giải quyết, có biết bao trách nhiệm mà người quản lí phải gánh trên vai. Với phương châm đẩy mạnh chất lượng dạy và học của nhà trường, trong những năm học qua, dưới sự chỉ đạo về chuyên môn của cô, nhà trường đã có nhiều giáo viên đạt giải cao trong Hội thi giáo viên giỏi cấp huyện. Cô luôn chỉ bảo các bạn giáo viên trẻ mới ra trường về chuyên môn, góp ý chân tình, cởi mở qua các tiết dự giờ để giúp họ cùng tiến bộ. Tôi không thể quên hình ảnh cô ngồi bên bàn làm việc đến 12h trưa để suy nghĩ, tìm một hướng dạy mới cho tiết thi giáo viên giỏi các cấp, các chuyên đề, hội thi hội giảng của trường.
Thời gian đầu, giáo viên còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận phương pháp dạy mới. Nếu như trước, giáo viên chỉ soạn bài, lên kế hoạch giảng bài theo phương pháp truyền thống, ít quan tâm sau giờ dạy có bao nhiêu học sinh hiểu bài, bao nhiêu học sinh chưa hiểu bài..., Nhưng giờ đây, chúng tôi cần phải biết trong giờ dạy, học sinh mong muốn tìm hiểu điều gì; học được điều gì và vì sao một số học sinh chưa học được để từ đó điều chỉnh phương pháp, hình thức dạy học cho phù hợp với từng lớp, từng lứa tuổi học sinh...Để làm được điều này, với sự quan tâm sát sao của mình, cô đã tăng cường chỉ đạo các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Từng giáo viên phải thực hiện tiết dạy trên cơ sở mục tiêu học sinh học được gì sau giờ học; vì sao học sinh đó không học; vì sao học sinh đó chưa làm được và người dự cũng quan sát như vậy. Sau giờ dự, thay vì nhận xét, đánh giá tiết dạy của giáo viên thì toàn thể giáo viên tham dự đi sâu phân tích các vấn đề quan sát được từ học sinh trong giờ học, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho những tiết dạy sau. Chính nhờ cách làm này, giáo viên trường tôi đã có những tiết học gần gũi với học sinh hơn và hiệu quả hơn với từng đối tượng học sinh trong lớp.
Không chỉ thực hiện tốt công tác chỉ đạo chuyên môn, cô còn luôn thực hiện đúng mọi chủ trương đường lối của Đảng, gương mẫu và tích cực vận động quần chúng tham gia phong trào thi đua của ngành, của trường, quan tâm xây dựng khối đoàn kết nhất trí trong tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Để công tác quản lý về chuyên môn đạt hiệu quả, ngoài việc tự học, tự bồi dưỡng cô còn tham gia nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, tham gia các lớp tập huấn do ngành tổ chức để có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà trường.
Năm 2022, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, cô giáo Khúc Thanh Thủy đã đại diện nhà trường báo cáo về “Tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo” lần thứ VI với đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quàn lý, điều hành”. Đây vừa là vinh dự song cũng là trách nhiệm để các nhà giáo vừa tiếp tục phát triển bản thân, vừa lan tỏa, nhân rộng tinh thần sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Thủ đô nói chung, giáo dục huyện Thanh Trì nói riêng.
Cô giáo Khúc Thanh Thủy chính là một hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho người phụ nữ năng động, sáng tạo, giỏi việc trường, đảm việc nhà trong thời đại mới. Cô không chỉ là người cán bộ quản lý nhiệt huyết tận tâm đầy năng lực, một đồng chí thẳng thắn chân tình, một người chị gần gũi yêu thương mà còn là tấm gương để tập thể giáo viên trường Tiểu học Vĩnh Quỳnh học tập rèn luyện, cống hiến cho mái trường thân yêu.