Là một vùng đất cổ nằm ở phía nam thủ đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì có bề dày truyền thống, có nét văn hóa đặc sắc được thể hiện rõ rệt ở cả 3 làng: Vĩnh Ninh, Quỳnh Đô, Ích Vịnh. Đây là nơi lưu giữ nhiều cụm di tích, được xếp hạng di tích lịch sử cách mạng, văn hoá, nghệ thuật. Không chỉ có vậy, mảnh đất này còn là quê hương của rất nhiều danh nhân văn hóa đất nước.
Tương truyền, làng Vĩnh Ninh có từ thời các vua Hùng. Khai quật di chỉ khảo cổ học Chùa Thông ngay sát làng đã phát lộ nhiều cổ vật mang niên đại cách đây 2400 năm. Theo thần phả trong đình thì vào thời Hùng Vương thứ sáu, dân làng đã theo Xà Công (Ông Rắn) và Bạch Công (Ông Đất) đánh giặc Ma Lôi và Xích Tỵ (giặc Mũi Đỏ). Cả hai vị được dân làng thờ làm thành hoàng. Đình Vĩnh Ninh còn thờ Nàng Tía, một nữ tướng của Hai Bà Trưng.
Đình làng Vĩnh Ninh
Khuôn viên miếu thờ Bà Tía – Trương Tử Nương
Đầu thời Nguyễn, nơi đây thuộc phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Đến năm 1831 nhập vào tỉnh Hà Nội. Thời Pháp thuộc, năm 1904 lại cắt về tỉnh Hà Đông. Từ 1968 làng thuộc xã Vĩnh Quỳnh huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đình làng Vĩnh Ninh nhìn về một cái hồ hình chữ nhật khá rộng ở hướng đông-bắc, được coi là thế đất đẹp. Trước đình có một sân gạch to kéo dài tới tận con đường làng chạy ven hồ.
Trong đình Vĩnh Ninh hiện có khá nhiều hiện vật có giá trị. Đáng quý nhất là còn lưu giữ được một cuốn ngọc phả và 23 sắc phong.
Đình Vĩnh Ninh được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1989.
Đình làng Quỳnh Đô
Đình Quỳnh Đô thờ vọng Thái uý Tô Hiến Thành hiện nay ở làng Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Hai từ “Quỳnh Đô” ca ngợi sự khoẻ, đẹp trong tinh thần thượng võ của dân làng Quỳnh Đô, vốn là một lò vật nổi tiếng.
Đình làng Quỳnh Đô nhìn về sông Tô Lịch ở hướng đông-nam, bên trái và phía sau tọa lạc chùa Hưng Long trong một khuôn viên còn rộng lớn hơn cả đình. Cạnh cổng đình có một cây bồ đề to đã hơn 200 năm tuổi, được xếp hạng là Cây di sản Việt Nam. Tam quan ngày nay giáp với mặt đường, bên trên có đắp 4 chữ Hán “Quỳnh Đô Công Đình”.
Ngoài các bức đại tự và câu đối lời hay chữ đẹp, trong đình hiện còn giữ được những hiện vật có niên đại khá sớm. Đáng quý nhất là cuốn “Thần phả” và 24 đạo sắc phong.
Bên trong Đình làng thôn Quỳnh Đô
Ngày 5-9-1989, đình Quỳnh Đô cùng với ngôi chùa Hưng Long bên cạnh đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là một cụm Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngày 16-3-2013, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã tổ chức Lễ trao quyết định xếp hạng cây bồ đề 200 tuổi ở làng Quỳnh Đô là “Cây di sản Việt Nam”.
Hình ảnh cây Bồ Đề 200 năm tuổi
Cổng Đình thôn Quỳnh Đô
Ngôi chùa làng Ích Vịnh có tên chữ Phúc Long Tự, còn gọi là chùa Đống, ở làng Ích Vịnh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tương truyền chùa Ích Vịnh có từ thời Tây Sơn, dáng dấp ngày nay chủ yếu mang đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Sau lần đại trùng tu và tôn tạo mới đây, chùa có mặt bằng xây dựng gần như kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Tam quan gồm 3 gian xây 3 tầng 8 mái, cửa chính giữa cao to hơn 2 cửa phụ, tầng trên có gác chuông nhìn về hướng nam hơi chếch ra cái hồ vuông. Trên hồ có một thủy đình nhỏ hình tứ giác với 4 cột tròn, bên trong đặt một pho tượng Bồ tát Quan Âm.
Chùa Phúc Long (chùa Đống) vào lúc hoàng hôn